Trong cuộc sống, tôi đã gặp rất nhiều người thành công có những đặc điểm tương tự. Họ không xuề xòa với người khác, công việc, gia đình và thậm chí cả cách ăn mặc của chính mình.
Hai ngày trước, một người có thâm niên trong ngành chia sẻ trên một diễn đàn, một câu chuyện: Sau khi tốt nghiệp, anh nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty khởi nghiệp. Hầu hết những người bạn cùng lớp cũng nhận được lời mời như anh đều đã được tuyển dụng. Tuy nhiên, anh ấy đã bị loại khỏi cuộc phỏng vấn vì đến muộn hai phút. Nhưng vì đã nhận được nhiều lời đề nghị vào thời điểm đó nên anh ấy không quá quan tâm đến kết quả.
Thật bất ngờ, công ty đó đã phát triển nhanh chóng và được niêm yết thành công ba năm sau đó. Những người bạn cùng lớp của anh làm việc ở đó cũng đạt được tự do tài chính.
Những năm gần đây, dù tham dự cuộc họp nào hay tiếp ai, anh ấy luôn đến sớm 10 phút. Mỗi khi có ai khen ngợi điều này ở anh, anh đều sẽ nói: “Đôi khi, hai phút có thể thay đổi cuộc đời của một người”.
Trong cuộc sống, tôi đã gặp rất nhiều người thành công có những đặc điểm tương tự. Họ không xuề xòa với người khác, công việc, gia đình và thậm chí cả cách ăn mặc của chính mình.
Ban đầu tôi nghĩ điều này là do tính cách của họ. Dần dần tôi nhận ra rằng khi nhận thức của một người đạt đến một mức độ nhất định, anh ta sẽ hiểu rằng cuộc sống hiện tại của anh ta là tổng hòa của những lựa chọn trong quá khứ. Và đằng sau tất cả sự tỉ mỉ đó thực sự là sự tôn kính với hai chữ “nhân quả”.
Ngân giảng dạy tại một trường đại học trong nước. Cách đây một thời gian, một sinh viên bất ngờ liên lạc với cô vào đêm khuya. Cậu sinh viên này vừa tìm được công việc yêu thích nhưng điều kiện tiên quyết để ký kết hợp đồng ba bên là đã có bằng tốt nghiệp.
Vì từng thi trượt môn của Ngân nên cậu ấy hi vọng mình có cơ hội được thi lại. Nhưng bắt đầu từ năm nay, nhà trường bắt đầu thực hiện nghiêm quy định “cấm thi tốt nghiệp”, không tổ chức thi lại bổ sung cho tất cả các khóa học.
Ngân cảm thán trên blog của mình: “Tôi vẫn còn nhớ vẻ mặt bất cần của cậu ấy khi nộp bài thi, cho rằng sau này sẽ có cơ hội thi lại, mà không hề biết rằng điều tưởng chừng như tầm thường vào thời điểm đó lại trở thành gánh nặng không thể chịu nổi của hiện tại.”
Những người có nhận thức cao hơn sẽ tôn trọng “nhân – quả” trong hành động của mình hơn.
Sự lơ là vô tình vào lúc này rất có thể đang tạo ra một hố sâu cho bản thân trong tương lai. Niềm vui thành công hiện tại cũng có thể là tiếng vọng của sự kiên trì trong quá khứ.
Khi nhà văn Yên mới đến Thượng Hải, anh làm việc ở một cửa hàng tiện lợi.
Việc đầu tiên anh làm sau khi đi làm là chép lại các quy định của nhân viên.
Anh thường sắp xếp sản phẩm, lập báo cáo, giải đáp thắc mắc của khách hàng một cách nghiêm túc và chặt chẽ theo quy định. Các nhân viên cũ trong cửa hàng thường cười nhạo anh, sao phải làm việc chăm chỉ như vậy với mức lương chỉ 2000 tệ (khoảng 6 triệu đồng) một tháng?
Một đêm nọ, một người quản lý đại lý xe bước vào cửa hàng tiện lợi và đến thẳng chỗ Yên, hy vọng anh sẽ làm việc cho mình. Trước sự bối rối của Yên, người quản lý giải thích: “Tôi đến cửa hàng của cậu mỗi tối để mua đồ ăn khuya và phát hiện ra rằng cậu là người duy nhất luôn đeo khẩu trang theo yêu cầu.”
Chẳng bao lâu, Yên chuyển công việc sang một công ty bán xe đạp leo núi. Người quản lý đại lý xe không chỉ trả lương hàng tháng cao hơn cho anh mà còn giúp anh giải quyết vấn đề nhà ở miễn phí.
Mặt khác, những đồng nghiệp cười nhạo anh vẫn đang làm ca đêm ở cửa hàng tiện lợi và than thở rằng anh thật may mắn.
Không có may mắn nào là bất ngờ.
Những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ không làm vậy vì họ có thể đoán trước được kết quả mà vì họ tin rằng nhân quả là có thật.
Chỉ bằng cách tích lũy nghiệp tốt của mình trong những việc nhỏ, bạn mới có thể đạt được kết quả tốt trong những việc lớn, những việc sau này có thể quyết định cuộc đời bạn.
Năm 1876, một doanh nhân tên Simon trở về Anh bằng tàu thủy. Lo lắng hành lý của mình bị đè bẹp, hầu hết mọi người đều tranh nhau đặt hành lý của mình lên trên người khác. Chỉ có Simon là giữ đồ đạc của mình ngăn nắp theo đúng số phiếu. Đi được nửa chặng đường, con tàu gặp phải sóng dữ và có nguy cơ bị lật úp bất cứ lúc nào. Thủy thủ đoàn phải ném hành lý ở phía trên xuống biển, hành lý mắc kẹt bên dưới của Simon vẫn ở đó.
Sau đó khi kể lại câu chuyện này với một người bạn, anh nói: “Đương nhiên không thể đoán trước được sóng gió, nhưng tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người như vậy, chưa từng thấy người ích kỷ nào có kết quả tốt nên tôi đã quen với việc không cho phép mình làm như vậy”.
Người có nhận thức cao hơn, sẽ tôn trọng “nhân – quả” trong làm người hơn. Những người mù quáng muốn lợi dụng người khác thường sẽ phải nuốt trái đắng mà mình đã gieo.
Khi Tesla lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, một doanh nhân đã ủy quyền cho anh ta cải tiến hệ thống DC và hứa sẽ thưởng cho anh phần thưởng trị giá 50.000 USD sau khi hoàn thành.
Sau 4 tháng gỡ lỗi, Tesla đã phát triển thành công máy phát điện một chiều mới, nhưng doanh nhân này chỉ điều chỉnh mức lương hàng tuần của anh từ 18 USD lên 25 USD. Khi Tesla đề cập đến 50.000 USD, ông cười và nói: “Anh ở Mỹ chưa lâu nên không hiểu được sự hài hước kiểu Mỹ của tôi”. Vài năm sau, doanh nhân này phát hiện ra trên thị trường có máy giao điện.
Với giá truyền tải thấp, dòng điện xoay chiều nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của dòng điện một chiều, khiến các thương gia thua lỗ hàng triệu đô la.
Sau một hồi điều tra, ông phát hiện ra người phát triển dòng điện xoay chiều chính là Tesla, người đã xin nghỉ việc ngay lập tức vì không nhận được thành quả xứng đáng với sức lao động.
Có người từng nói: “Thông minh kiểu tư lợi không gọi là thông minh, đó gọi là khôn lỏi, mà khôn lỏi thì không bền được lâu.”
Người tính, vĩnh viễn không thể bằng Trời tính.
Dù thân thiết với ai, nếu không bao giờ muốn chịu thiệt thòi, luôn chỉ nghĩ cho bản thân, ông Trời nhất định không để họ làm người chiến thắng. Cách một người đối xử với người khác chính là cách số phận đối xử với anh ta.
Trong bộ phim truyền hình nổi tiếng gần đây “Phồn hoa”, người chú đã dạy Bảo những kinh nghiệm kinh doanh đáng suy ngẫm.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là bài học về cách ăn mặc:
“Khi gặp khách, cháu phải ăn mặc chỉnh tề, bao gồm hộp thuốc lá, bật lửa và ví. Phải lịch sự và trang nhã.”
“Áo sơ mi cần được ủi đàng hoàng cho thật phẳng.”
“Người mặc đồ, đừng để bộ đồ khiến người ta đánh giá con người mình, luôn làm sao để bản thân đi cũng chỉnh tề, đứng cũng chỉn chu.”
Sau một thời gian được chú dạy dỗ, Bảo đã thay đổi hoàn toàn, anh có thể hô mưa gọi gió trong giới kinh doanh và nhanh chóng trở thành một anh Bảo được nhiều người biết đến.
Không ai có nghĩa vụ phải thông qua vẻ ngoài luộm thuộm của bạn đi khám phá tài năng và hiểu biết bên trong của bạn. Chăm sóc tốt hình ảnh của bản thân và luôn duy trì từ trường tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút các cơ hội và may mắn hơn. Đây cũng là một loại nhân quả trong đối nhân xử thế.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính lan khắp châu Á.
Công ty của doanh nhân Hong Jie bị phá sản và ông chỉ có thể kiếm sống bằng nghề bán mủ cao su.
Chẳng bao lâu, ông phát hiện ra rằng với sự phát triển của ngành bất động sản, sơn kiến trúc mang đến những cơ hội kinh doanh to lớn. Nhưng vì nợ nần nên ông không thể có đủ tiền để mua nguyên liệu thô.
Vào thời điểm khó khăn nhất, một nhân viên cũ đã để lại 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng) trên bàn làm việc. Với số tiền này, ông đã thành lập thành công công ty sơn “Ba cây” và mất 20 năm để nâng giá trị thị trường của công ty lên 2 tỷ USD.
Có lần Hong Jie hỏi nhân viên tại sao hồi đó lại cho mình vay tiền. Đây là cách nhân viên đó trả lời: “Những người làm nghề sơn kiến trúc thường mặc quần áo bẩn chỗ này, nhọ chỗ kia, nhưng anh luôn mặc đồ sạch sẽ, gọn gàng.
Lúc đó tôi nghĩ, nếu anh không bỏ cuộc, anh chắc chắn sẽ đạt được sự phát triển lớn hơn trong tương lai.”
Chỉ bằng cách tạo ra một hình ảnh đẹp, tấm danh thiếp đầu tiên, bạn mới có nhiều không gian hơn để thể hiện khả năng của mình.
Việc duy trì vẻ ngoài gọn gàng và chỉn chu sẽ không thay đổi ngay cuộc sống trước mắt của bạn nhưng nó sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên bạn. Càng có nhiều người sẵn sàng kết giao với bạn, con đường đời tự nhiên sẽ càng rộng mở hơn.
Có một vị sếp lớn đang họp đột nhiên ngừng phát biểu và lấy từ trong túi áo vest ra một chiếc điện thoại di động đang rung.
Trước sự chứng kiến của mọi người, ông thì thầm vài lời vào điện thoại, ánh mắt tràn đầy dịu dàng. Sau khi cúp máy, ông xin lỗi mọi người: “Trong cuộc họp cấp độ này, nghe điện thoại là bất lịch sự, nhưng biết phải làm sao bây giờ, đây lại là cuộc gọi của vợ tôi!”
Sau đó là những tràng cười thích thú của những người ngồi bên dưới, và sau đó nữa là những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Về vấn đề này, trên mạng có một bình luận rất sâu sắc:
“Người nói bản thân quá bận rộn để chăm sóc gia đình thực ra là người không làm chuyện gì lớn lao. Những người thực sự bận rộn với việc lớn sẽ xem gia đình của mình là chỗ dựa và luôn trân quý ngôi nhà của mình.”
Khi một người còn trẻ, anh ta thường cảm thấy mình có thể hy sinh gia đình vì sự nghiệp.
Trải qua nhiều chuyện, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng bất cứ đỉnh cao nào trong cuộc sống đều không thể tách rời sự hỗ trợ của gia đình.
Ở đỉnh cao sự nghiệp vào cuối thời nhà Thanh, thương gia Sơn Tây, Qiao Zhiyong đã mở hơn 200 cửa hàng trên khắp đất nước. Một trong “sáu điều không nên” của ông trong kinh doanh là “không để bất hòa xảy ra trong gia đình”.
Khi Kazuo Inamori mới bắt đầu làm việc, ông đã chuyển những đồ dùng cần thiết hàng ngày của mình đến văn phòng và trung bình chỉ về nhà nửa tháng một lần.
Tới khi ông thành lập Kyocera, những công việc ông xử lý hàng ngày tuy càng trở nên nhiều và phức tạp hơn, nhưng thay vào đó, ông lại về nhà mỗi ngày để dành thời gian cho gia đình và trò chuyện về những điều thú vị ở công ty.
Những người có nhận thức cao hơn sẽ tôn trọng “nhân quả” trong việc “điều hành” gia đình của mình hơn.
Một giáo sư đã nói: “Gia đình và sự nghiệp dường như không có mối liên hệ trực tiếp nào, nhưng khi 90% năng lượng của bạn được dùng để giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình, vậy thì làm sao bạn có thể làm được việc gì quan trọng?”
Nếu nhà không bình yên, bạn chắc chắn sẽ không có nhiệt huyết với sự nghiệp, chỉ khi gia đình hòa thuận, bạn mới yên tâm làm việc.
Hãy dụng tâm cho gia đình và một ngày nào đó, bạn sẽ gặt hái được những phước lành to lớn.
Tôi đã nghe câu nói này: “Một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ phát hiện ra rằng những câu chuyện tưởng như hết sức bình thường mà bạn từng viết ra trong nhật ký lại tượng trưng cho những thay đổi lớn lao trong số mệnh.”
Nhiều thứ trên thế giới có liên quan đến nhau.
Bạn làm gì, gặp ai, giữ hình ảnh ra sao, thậm chí về nhà lúc mấy giờ… tất cả đều tưởng chừng như là những lựa chọn ngẫu nhiên nhưng trong bối cảnh cuộc sống, “nhân” và “quả” thực ra đều rất rõ ràng.
PV
Đời sống & pháp luật